- Chủ nhật, 15/12/2024 13:00 (GMT+7)
Nhiều dự án quy mô từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được triển khai xây dựng tại tỉnh Bình Dương vào năm 2025.
Ngày 15/12, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, do vậy cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân quyết tâm phấn đấu, thực hiện tốt phong trào 400 ngày đêm thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Trong năm 2025, Bình Dương sẽ tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quy mô lớn. Dự kiến, tỉnh sẽ khởi công xây dựng các dự án: Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ, Khu công nghệ thông tin tập trung, cảng sông An Tây, đường Vành đai 4 TP.HCM.
Dự án cảng sông An Tây dự kiến có quy mô khoảng 180 ha, trong đó diện tích khu cảng khoảng 97ha, diện tích khu đô thị – tái định cư khoảng 83 ha.
Cảng sông An Tây sẽ được đặt tại phía Nam phường An Tây (TP Bến Cát, Bình Dương), giáp ranh bờ sông Sài Gòn, kết nối trực tiếp với hai cảng lớn là Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Cát Lái (TP.HCM). Dự án có tổng vốn đầu tư 2.279 tỷ đồng, trong đó 453 tỷ đồng là kinh phí giải phóng mặt bằng. Vốn đầu tư thực hiện dự án thuộc sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay và vốn huy động khác.
Cảng sông An Tây bao gồm các hạng mục như văn phòng, hạ tầng kỹ thuật, bến cảng, kho bãi, hệ thống giao thông và kênh thoát nước. Cảng có công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm với khả năng tiếp nhận tàu đến 3.000 tấn hàng.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, khi xây dựng cảng sông An Tây, Bình Dương đặt mục tiêu hình thành chuỗi dịch vụ logistics để đưa hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên về cảng Cát Lái và Cái Mép – Thị Vải, tránh tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường bộ.
Một dự án giao thông trọng điểm đi qua cảng An Tây sẽ được khởi công vào năm 2025 là đường Vành đai 4 TP.HCM. Dự án Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 47km với tổng mức đầu tư 18.993 tỷ đồng.
Trong năm 2025, Bình Dương dự kiến khởi công dự án Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại TP Tân Uyên. Dự án này do Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến 26.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc hình thành một khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, trong năm 2025, Bình Dương dự kiến khởi công dự án Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung với quy hoạch dự kiến tổng diện tích 15,47 ha tại phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một). Dự án có tổng vốn khái toán ban đầu khoảng 10.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là kiến tạo hạ tầng cho ứng dụng, phát triển và thúc đẩy ngành CNTT; hình thành trung tâm nghiên cứu – phát triển sản phẩm CNTT, phục vụ cho việc đào tạo và chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ số. Tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam.
Dự án kỳ vọng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, dự án khu CNTT tập trung sẽ hình thành trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm cung cấp hạ tầng và các dịch vụ CNTT; truyền thông, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, bảo vệ sở hữu trí tuệ…
Cũng trong năm 2025, Bình Dương dự kiến đưa vào sử dụng dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường…
theo Hương Chi/Tiền Phong